Kỹ sư nhảy việc như thế nào?
Báo Người Lao Động vừa tiến hành khảo sát hiện trạng việc làm của lao động ngành CNTT. Khảo sát dựa trên 100 lao động đăng ký tìm việc tại Văn phòng Hỗ trợ việc làm Báo Người Lao Động,
Sau gần 1 năm làm việc tại một công ty chuyên lập trình và thiết kế website ở Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Dũng, kỹ sư lập trình (28 tuổi, quê Sơn La), quyết định xin nghỉ việc để vào TPHCM tìm cơ hội mới. Đích ngắm của anh là Công ty Phần mềm FPT. “Với gần 1 năm kinh nghiệm, tôi tin mình sẽ trúng tuyển vào doanh nghiệp (DN) mà mình mơ ước” – anh Dũng lạc quan.
Mơ vào doanh nghiệp lớn
Anh Dũng cho biết khi làm ở DN nói trên, thu nhập của anh khoảng 5 triệu đồng/tháng. Dù việc làm khá ổn định nhưng anh muốn thực hiện ước mơ lớn hơn: Vào DN lớn. “Tôi nghĩ nếu được vào FPT, không những có thu nhập cao mà mình còn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, cơ hội tiến thân rộng mở hơn” – anh Dũng nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Quốc Huy (30 tuổi, quận Gò Vấp – TPHCM) tốt nghiệp chuyên ngành an ninh – an toàn thông tin Trường ĐH FPT cuối năm 2011 nhưng đến nay, đã 3 lần thay đổi chỗ làm và vừa nộp hồ sơ vào Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Anh Huy cho rằng khi mới ra trường, thiếu kinh nghiệm, anh không đủ khả năng chuyên môn cũng như đáp ứng tiêu chuẩn tuyển chọn của những DN lớn. Vì vậy, anh “đầu quân” cho những DN nhỏ để tích lũy kinh nghiệm. “Nếu vào được DN có tiếng tăm một chút, tôi sẽ có điều kiện để phát triển hơn. Tôi hy vọng hồ sơ của mình sẽ được Viettel chọn” – anh Huy mong ước.
Xu hướng nhảy việc như trên hiện diễn ra khá phổ biến ở ngành công nghệ thông tin (CNNT), dẫn đến biến động mạnh về nhân lực ở ngành này, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, biến động lao động của ngành CNTT tại TPHCM khoảng 30%/năm, tập trung vào các DN nhỏ và vừa. Mỗi năm TPHCM cần khoảng 10.000 – 11.000 lao động ngành CNTT.
Đau đầu vì mất người
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và An ninh mạng quốc tế Athena, nhìn nhận: Một trong những áp lực đối với các DN CNTT là tình trạng “nhảy việc” của người lao động. Ông Thắng cho biết trung bình mỗi đợt tuyển dụng, Trung tâm Athena tuyển 10 nhân viên ở các vị trí lập trình viên, quản trị mạng… Thế nhưng, sau khi mất từ 6 đến 9 tháng đào tạo lại, có đến 40% trong số này không trụ lại.
Là DN chuyên cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng internet, Công ty CP Truyền thông Fam (quận 1 – TPHCM) cũng thường xuyên gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân sự do lao động “nhảy việc”. Theo ông Vũ Viết Hải, giám đốc công ty, vì là DN nhỏ nên công ty chỉ sử dụng 6 kỹ sư nhưng 3 người trong số đó vừa “dứt áo ra đi”. “Đối với DN nhỏ như chúng tôi, để đào tạo được 3 nhân viên là cả một vấn đề” – ông Hải than phiền.
Thừa nhận xu hướng “nhảy việc” đang diễn ra khá phổ biến tại các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNTT, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), cho rằng nguyên nhân là do thu nhập, đãi ngộ không cao, người lao động lại ít có niềm tin về sự phát triển trong tương lai của DN. “Đây là lý do các bạn trẻ luôn tìm kiếm những công ty “tầm cỡ”, có danh tiếng để đầu quân” – ông Dũng nhận xét.
43% lao động bỏ việc trong năm đầu tiên
Báo Người Lao Động vừa tiến hành khảo sát hiện trạng việc làm của lao động ngành CNTT. Khảo sát dựa trên 100 lao động đăng ký tìm việc tại Văn phòng Hỗ trợ việc làm Báo Người Lao Động, trong đó 87,5% lao động đã có kinh nghiệm làm việc, tập trung ở các DN nhỏ và vừa. Kết quả cho thấy 43% lao động bỏ việc trong năm làm việc đầu tiên và trên 80% lao động bỏ việc, thay đổi từ 1 đến 3 nơi làm việc trong 2 năm.
Về lương, khảo sát cho biết đối với lao động làm việc từ 1 – 2 năm, trung bình đạt 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng; từ 3 đến 5 năm là 5 triệu đồng/tháng, tối đa chỉ 7 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ hạn chế, ít có cơ hội thăng tiến là 3 lý do chính khiến người lao động bỏ việc.
Leave a Reply